Nhật Bản được xem là một đất nước của nghệ thuật. Thật vậy, từ những điều rất giản dị trong cuộc sống như: nấu ăn, cách thức ăn uống, cắm hoa, gấp giấy, trồng cây cảnh… người Nhật đều không cho là một việc làm bình thường mà họ nâng chúng lên ở tầm mức của nghệ thuật.
Có nghĩa là, ngoài những sự hiểu biết và thực hành một cách thành thục, người Nhật còn đòi hỏi việc đó phải có sự tinh tế và khéo léo.
Trà đạo của người Nhật cũng không nằm ngoài thói quen văn hoá đó. Trà đạo trở thành một yếu tố không thể thiếu khi nhắc đến quốc gia này.
Uống trà và Trà đạo
Thật ra, trà đạo chính là thưởng thức việc uống trà. Tất cả những gì thuộc về trà đạo đều bao gồm các thao tác cơ bản như: pha trà, mời trà và uống trà. Nhưng ngoài những điều cần phải thực hiện, trà đạo còn quy định thật tỉ mỉ về các thao tác ấy. Từ đó, uống trà trở thành một nghi lễ. Người Nhật gọi nghi lễ uống trà này với cái tên là Trà đạo, nó như là một “trường phái” của nghệ thuật ở xứ sở hoa anh đào.
Vì là một sự thưởng thức nên trà đạo càng có đông người tham gia thì niềm vui của thú uống trà này sẽ được nhân lên rất nhiều.
Trà đạo có từ khi nào?
Trà đạo có nguồn gốc từ đất nước Trung Hoa. Có thể nói, đây là quốc gia châu Á có nền văn minh lớn ảnh hưởng đến cả khu vực. Do vậy, trong một thời gian dài, Nhật Bản cổ xưa cũng nằm trong khối ảnh hưởng này.
Khởi đầu, người Trung Hoa đã dùng trà làm thuốc để chữa trị một số bệnh. Sau đó, nó phát triển và trở thành một thức uống đặc biệt. Mặc dù trà Trung Quốc cũng có những gắn kết trong đời sống văn hóa của dân tộc nhưng để nâng việc uống trà thành một nghi lễ của sự thưởng thức thì điều đó chỉ có được trên đất Phù Tang…
Vào thế kỉ thứ VI, tri thức về các loại trà và sản xuất trà truyền từ Trung Quốc sang Nhật Bản cùng với mỹ thuật và Phật giáo. Năm 805, uống trà đã trở thành phong tục của người Nhật.
Do được phổ biến theo chân các nhà sư nên trà đạo Nhật Bản mang đậm phong cách của Thiền. Có thể kể đến nhà sư Murata Juko là người đã tìm thấy vẻ đẹp giản dị trong văn hóa uống trà, ông coi trọng cuộc sống tinh thần và yêu cái đẹp "wabi" và "sabi" - vẻ đẹp giản dị, thanh sạch không vướng bụi trần được xem là tinh thần chủ yếu trong việc thưởng trà.
Tầng lớp Samurai trong xã hội Nhật Bản.
Thật ra, các nghi lễ nghiêm ngặt về trà đạo chỉ được bắt đầu vào thế kỷ XV do nhà sư Murata Xiuko vạch ra. Trong giai đoạn này, xã hội Nhật Bản có sự phát triển mạnh, trà đạo được giới Samurai cao cấp và quý tộc cung đình đón nhận nồng nhiệt.
Dần dần, trà đạo đã trở thành thú tiêu dao của người Nhật ở các tầng lớp khác nhau sau mọi lo toan, bận rộn hàng ngày. Khi đã trở thành một nghi lễ, xã hội Nhật đã xuất hiện những nghệ nhân chuyên về trà đạo. Họ chính là những người mang trà đạo đến với thế giới.
Từ khi ra đời và cho đến bây giờ, trà đạo có ảnh hưởng lớn đến kiến trúc, nghệ thuật làm vườn, nghệ thuật tạo hình và đặc biệt là nghề gốm.
Gian phòng thưởng trà.
Những yếu tố không thể thiếu của trà đạo
Vào thế kỉ thứ XV, người ta bắt đầu xây những nơi dành riêng cho người uống trà. Ngôi nhà uống trà được làm bằng những chất liệu rất mong manh. Tất cả là một cảm thức chủ đạo của Thiền, điều đó hướng người ta đến cái vô thường và trống rỗng của sự vật. Đặt biệt, vẻ đẹp vô thường kia sẽ tạo cho con người thêm thăng hoa khi khung cảnh bên ngoài ngôi nhà thưởng trà là một khu vườn với cỏ hoa rậm rạp cùng con đường lát đá.
Đối với dân thưởng trà ở Nhật Bản, khu vườn Tây An tại chùa Miôkian (ở Kyoto) được họ xem là nơi thưởng trà chuẩn nhất. Ở đó, người ta có thể tổ chức được một nghi lễ trà đạo điển hình.
Kyoto – trung tâm của trà đạo.
Nhìn chung, gian phòng thưởng trà có diện tích nhỏ và được cấu tạo với mái trần thấp. Chính vì vậy, người dự trà buộc phải cuối đầu khiêm cung khi bước vào đây. Vào thời xa xưa, những võ sĩ Samurai thường để kiếm lại ở bên ngoài khi đến dự buổi tiệc trà.
Ngoài ra, vật trang trí duy nhất trong phòng là tranh cuộn đơn sắc và lọ hoa. Các bức tranh này có thể là một câu nói mang ý nghĩa như: "Bình thường tâm là đạo" hoặc đơn giản chỉ là một chữ "Vô". Thường trong những buổi tiệc trà, chủ nhân phải ấn định một chủ đề chính và người thưởng trà sẽ cùng bàn luận về ý nghĩa ẩn đằng sau nó.
Bình hoa và bức tranh trong phòng trà Nhật Bản.
Theo quy định, các dụng cụ sử dụng cho buổi pha trà phải bằng tre hoặc bằng các vật liệu tầm thường khác. Đặc biệt, người Nhật hạn chế việc sử dụng đồ gốm sứ của Trung Quốc và Triều Tiên. Họ luôn dùng những chiếc bát làm bằng gốm sứ Nhật Bản. Bởi vì, uống trà là nhằm luyện con người khu trừ những chướng ngại phiền não, để đạt đến tinh thần an bần lạc đạo và hoà đồng với tự nhiên. Người dự trà sẽ cảm thấy thiên nhiên Nhật cùng con người Nhật hòa hợp hơn trong chén trà của mình.
Trong nghệ thuật ẩm thực này, người Nhật dùng loại trà xanh được nghiền nhuyễn thành bột và đã qua chế biến. Điểm đặc sắc của nguyên liệu này là chúng vẫn giữ nguyên sắc xanh biếc của búp trà non. Khi pha chế xong, tách trà ánh lên một màu xanh tuyệt hảo.
Sắc xanh trong chén trà Nhật Bản.
Nghi lễ uống trà trên đất Phù tang
Nhìn chung, nghi lễ Trà đạo được dùng để diễn đạt sự hài hoà, kính trọng, thuần khiết và thanh bình. Trước tiên, chủ nhân tổ chức buổi trà đạo phải lựa chọn những chén trà có hoa văn đẹp nhất và sắp xếp dụng cụ cho một buổi Trà (người ta thường gọi các dụng cụ này là dogu).
Bước hai, người ta chuẩn bị "mizuya" (nơi rửa cho Trà lễ) trong phòng dụng cụ. Đây là khu vực được sắp xếp theo một trật tự tốt nhất nhằm thể hiện sự tôn trọng Nghi lễ uống trà. Bước ba là chủ nhà mở cửa vườn hoa dẫn đến Trà Đường để chào đón khách.
Chủ nhân chào đón khách.
Khi khách dự trà đến, họ phải đi đến bồn đá và múc một muôi nước đầy, rửa tay, súc miệng mới được đi vào phòng trà. Tiếp theo, chủ nhà chào khách tại phòng tiếp tân và chuẩn bị cho bữa cơm và tiệc trà hôm đó.
Thông thường, sau bữa ăn, trà chủ sẽ sắp xếp hoa và thay thế khăn trải bàn mới. Họ bắt đầu treo rèm "sudare" (Sudare: rèm được làm bằng tre hoặc sậy chẻ nhỏ. Nó dùng để đón gió nhẹ và che nắng).
Sau khi đã chuẩn bị xong, chủ nhân thông báo cho khách biết bằng cách đánh một tiếng cồng "dora".
Nghi thức pha trà truyền thống của người Nhật.
Cách thức pha trà
Việc pha trà thường được thực hiện với rất nhiều công đoạn. Nghệ thuật pha trà của chủ nhân sẽ được đánh giá bằng việc số lượng trà trong ấm luôn đảm bảo không thiếu và không thừa cho tất cả các khách mời. Thông thường, mỗi người khách sẽ thưởng thức khoảng 50 ml nước trà. Chủ nhân rót trà dàn đều theo nhiều vòng cho tất cả các tách. Trong thời gian này, khách trà sẽ được thưởng thức bánh. Đặc biệt, các loại bánh ngọt được ưa chuộng thường có hình dáng trông như những đoá hoa anh đào đang hé nở giữa tiết xuân.
Các loại bánh dùng trong tiệc trà.
Sau khi trà được rót xong, trà chủ sẽ xoay chén trà mời khách. Khách nhận chén trà bằng hia tay và vái chào để tỏ lòng tôn kính. Người uống trà đặt chén lên lòng bàn tay trái, dùng tay phải khẽ xoay chén trà 2 lần sao cho thấy được hoa văn đẹp nhất của tách trà. Tiếp đến, họ uống 3 ngụm trà thật từ tốn.
Nâng chén trà bằng hai tay, người thưởng trà thể hiện thái độ lịch thiệp và nhã nhặn.
Thông thường, cả khách lẫn chủ sẽ đàm đạo về thơ ca, hội hoạ, văn học cổ điển, nghệ thuật cắm hoa… Vì vậy, những người tham gia vào buổi tiệc này đòi hỏi phải có kiến thức và tài năng về nghệ thuật.
Khi dùng trà xong, nếu khách ngỏ ý muốn được chiêm ngưỡng các dụng cụ thì trà chủ nhân sẽ phải chuẩn bị làm sạch lại các dụng cụ pha trà.
Cuối cùng, buổi lễ Trà Đạo chấm dứt, khách nói lời chào tạm biệt và ra về.
Do nghi lễ uống trà tồn tại trong một thế giới không tiền tài, không giai cấp mà ở đó chỉ có lòng tôn trọng kiến thức, sự nhã nhặn và lịch sự, vì vậy, trà đạo luôn là một giá trị văn hóa mà người Nhật tôn thờ.
Trà đạo trên nước Nhật ngày nay…
Trà đạo từ khi ra đời cho đến nay vẫn có một sức sống lâu bền trong đời sống tinh thần của người dân Nhật. Nhờ có trà đạo, Nhật Bản đã giữ được những truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Vì đây là một nghi lễ nên dân tộc Nhật không thể bỏ qua những yếu tố cần có của một buổi thưởng trà. Do đó, dù xây nhà hiện đại đến đâu, người Nhật ngày nay cũng không quên dành một gian phòng nhỏ làm nơi thưởng trà. Trong những buổi trà đàm, người ta cùng nhau hoạ ẩm về nghệ thuật tranh truyền thống Nhật Bản cùng với ngôn ngữ cổ xưa. Hơn nữa, khi ngồi thưởng trà, người Nhật cũng không thể thay bộ Kimono bằng một trang phục hiện đại. Và, những chén trà làm bằng gốm sứ của Nhật Bản cũng được duy trì để không làm mất đi ý nghĩa của trà đạo.
Vận “Kimono”, người Nhật luôn có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trà đạo quả là một sự kết nối hữu hiệu giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.
Dù hiện nay, việc thưởng thức trà đạo có thể bỏ qua một số nghi lễ nhưng nghệ thuật trà đạo vẫn luôn lấy sự “Thư Thái”; “Tinh khiết”; “Trang nghiêm”; “Tĩnh tại” làm tinh thần cơ bản. Đó chính là “Mỹ học tôn giáo” mà người Nhật hướng đến.
Thật vậy, nghệ thuật trà đạo luôn là món quà của tinh thần mà cả cuộc đời mình, người Nhật mãi luôn đi tìm cái đẹp tinh tuý của nó.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét